Đức nêu lý do ngừng cấp visa cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới

Đại sứ quán Đức cho biết hộ chiếu phổ thông Việt Nam mẫu mới thiếu thông tin nơi sinh, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xác minh, nên không thể cấp visa.

Hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam, được cấp từ ngày 1/7, tạm thời chưa được công nhận ở Đức và không thể cấp thị thực do thiếu thông tin về nơi sinh, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam trả lời.

“Thông tin về nơi sinh chỉ có thể được xác định thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và đối chiếu với danh sách dài 7 trang”, Đại sứ quán Đức cho biết. “Không thể xác định rõ người mang hộ chiếu nếu không có nơi sinh, đặc biệt do nhiều trường hợp trùng tên họ. Các cơ quan chính quyền Đức không thể tìm được thông tin về nơi sinh thông qua số định danh cá nhân trong hộ chiếu”.

Đức nêu lý do ngừng cấp visa cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới. Ảnh minh họa.
Đức nêu lý do ngừng cấp visa cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới. Ảnh minh họa.

Theo Đại sứ quán Đức, điều này buộc cơ quan chức năng Đức khi kiểm tra hộ chiếu Việt Nam mẫu mới trong quá trình kiểm soát xuất nhập cảnh và kiểm tra trong nước sẽ luôn phải đối chiếu thủ công với danh sách, trong khi không phải người làm nhiệm vụ nào cũng có danh sách đó.

Cơ quan này cho biết thêm nhiều hộ chiếu nộp vào đại sứ quán Đức không có số định danh cá nhân, chủ yếu là hộ chiếu của người vị thành niên, cũng như một số hộ chiếu mà nơi sinh được ghi không trùng khớp với nơi sinh thật sự.

Đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an sáng 28/7 cho biết Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sẽ mời đại diện phía Đức đến làm việc để có phương án đảm bảo quyền lợi cho công dân.

Đại diện này khẳng định hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam đã làm đúng quy định và thông lệ quốc tế, các vấn đề phát sinh sẽ ưu tiên xử lý qua đường ngoại giao.

Trước đó, trang web của đại sứ quán Đức ở Việt Nam thông báo những người mang hộ chiếu phổ thông Việt Nam màu xanh tím than theo mẫu mới có số serial bắt đầu bằng chữ “P” sẽ không thể nộp hồ sơ xin thị thực loại C hoặc D để nhập cảnh Đức. “Hồ sơ của quý vị không được tiếp nhận cho đến khi có thông báo khác”, cơ quan đại diện Đức cho biết.

Visa loại C (hay còn gọi là visa Schengen) cho phép nhập cảnh vào một trong số 26 quốc gia thuộc khối Schengen và tự do di chuyển trong lãnh thổ của 25 quốc gia còn lại mà không phải tiến hành thêm bất cứ thủ tục nhập cảnh nào khác. Trong khi đó, visa loại D (hay visa quốc gia) được Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam cấp, cho phép tự do đi lại trong 25 quốc gia nội khối Schengen với thời gian lưu trú tối đa 90 ngày.

Giới chức Đức cảnh báo người đã được cấp visa trong hộ chiếu mẫu mới không đến nước này vì “nguy cơ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới”. Theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng nội địa Đức, quy định trên sẽ được áp dụng cho đến khi có thông báo khác.

Phòng lãnh sự thuộc Tổng lãnh sự quán Đức tại TP HCM cho biết người mang hộ chiếu mới sẽ không thể đến Đức hoặc quá cảnh ở mọi sân bay Đức do vấn đề “thiếu dữ liệu”. Người mang hộ chiếu mới đều không thể đến Đức để du lịch hoặc làm việc bằng thị thực C từ bất kỳ nước nào trong khối Schengen.

Tuy nhiên, người có giấy phép cư trú hoặc thị thực D của một nước trong khối Schengen vẫn được quá cảnh tại Đức để đến nước cấp visa, dù mang hộ chiếu mẫu mới.

Theo thông báo của cảnh sát liên bang Đức, những nước thuộc khối Schengen khi cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu mẫu mới phải loại Đức ra khỏi khu vực hiệu lực của thị thực. Những người mang hộ chiếu cũ (màu xanh) không bị ảnh hưởng.

Hộ chiếu mẫu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7, được thiết kế tỉ mỉ, trên mỗi trang là hình ảnh phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng như vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú…

Hộ chiếu vẫn giữ nguyên kích thước, chiều ngang 88 mm, dài 125 mm và dày trong khoảng 0.75 mm, nhưng màu sắc ở trang bìa đổi thành xanh tím than. Những đổi mới trên góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.

Nguồn: Internet online